VBQPPL:
- BLHS (Chương XXIII)
- Luật Phòng, chống tham nhũng
- Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Cần xác định các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
• Việc xử lý tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ phải bảo đảm nghiêm khắc và tuân thủ triệt để các nguyên tắc của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự.
• Cần xác định chính xác các tình tiết là yếu tố định tội và các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt. Một số tình tiết là dấu hiệu định tội, tình tiết định khung hình phạt được hướng dẫn tại Điều 3 và Điều 4 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP.
• Trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.
• Xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 BLHS đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc một trong các trường hợp hướng dẫn tại Điều 5 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP.
• Việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại Chương XXIII BLHS và truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp người phạm tội vừa chiếm đoạt tài sản, nhận của hối lộ vừa gây thiệt hại về tài sản được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 8 và Điều 9 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP.
• Xác định trị giá tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ gây ra làm căn cứ xử lý hình sự được xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội theo hướng dẫn tại Điều 10 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP.