6.1.1.3. Căn cứ quy định về các hình phạt tại các điều từ Điều 31 đến Điều 45 BLHS
• Nắm chắc hình phạt nào là hình phạt chính; hình phạt nào là hình phạt bổ sung; hình phạt nào vừa có thể là hình phạt chính vừa có thể là hình phạt bổ sung.
• Cần nghiên cứu kỹ quy định về mỗi loại hình phạt cụ thể; đặc biệt là điều kiện áp dụng hình phạt đó.
• Lưu ý quy định nào của loại hình phạt nào là bắt buộc, quy định nào có tính lựa chọn để thực hiện đúng.
Ví dụ: Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người phạm tội, cần chú ý:
- Phải quyết định giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc UBND cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục;
- Phải quyết định buộc người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ (các nghĩa vụ quy định tại Điều 36 BLHS và Luật THAHS) và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% để sung quỹ nhà nước (không khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự). Chỉ trong trường hợp đặc biệt, mới có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án;
- Người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ;
- Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.