Loading...
Skip to main content
Dự thảo 1: Thông tư liên tịch hướng dẫn quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục hoãn, miễn chấp hành án phạt tù

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ CÔNG AN - BỘ TƯ PHÁP - BỘ Y TẾ

-------------------

Số:……./2020/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BYT

(Dự thảo 1)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

------------------

Hà Nội, ngày…..tháng….năm 2020

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục hoãn, miễn chấp hành án phạt tù

Căn cứ Luật Thi hành án hình sự ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Y tế liên tịch hướng dẫn quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục hoãn, miễn chấp hành án phạt tù,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

  Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

  Thông tư liên tịch này hướng dẫn cụ thể về đối tượng, nguyên tắc, hồ sơ, trình tự, thủ tục xét, đề nghị, quyết định và thi hành quyết định hoãn, miễn chấp hành án phạt tù cho người bị kết án phạt tù đang tại ngoại, phạm nhân.

  Điều 2. Đối tượng áp dụng

  Thông tư liên tịch này áp dụng đối với người chấp hành án tại ngoại, phạm nhân đang chấp hành án phạt tù trong các trại giam, trại tạm giam; Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc hoãn, miễn chấp hành án phạt tù cho người bị kết án phạt tù đang tại ngoại, phạm nhân.

  Điều 3. Nguyên tắc hoãn, miễn chấp hành án phạt tù

  1. Tuân thủ quy định của pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự và tố tụng hình sự.

  2. Bảo đảm tính nhân đạo xã hội.

  3. Bảo đảm tính công khai, minh bạch và công bằng.

  4. Tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành án, phạm nhân.

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ XÉT HOÃN CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ

  Điều 4. Thủ tục đề nghị, nhận hoãn chấp hành án phạt tù

  1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù gồm:

  a) Tòa án đã ra quyết định thi hành án;

  b) Người bị kết án tại ngoại. Trường hợp không có đề nghị của Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, người bị kết án tại ngoại không thể tự mình làm đơn đề nghị thì người thân thích của người bị kết án hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án làm việc, của chính quyền địa phương nơi người bị kết án cư trú có quyền đề nghị thay;

  c) Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án cư trú.

  2. Đơn, văn bản đề nghị hoãn phải có các nội dung sau:

  a) Ngày, tháng, năm làm đơn, văn bản;

b) Tên Tòa án nhận đơn, văn bản;

c) Tên, nơi cư trú, làm việc của người chấp hành án phạt tù tại ngoại;

d) Số bản án, ngày tuyên án, quyết định hình phạt trong bản án; số, quyết định thi hành án phạt tù;

đ) Lý do đề nghị hoãn chấp hành án;

e) Phần cuối đơn phải ký tên hoặc điểm chỉ; cuối văn bản phải do đại diện cơ quan, tổ chức ký và đóng dấu;

i) Danh mục tài liệu kèm theo đơn, văn bản đề nghị.

  3. Gửi đơn, văn bản đề nghị đến Tòa án nhân dân đã ra quyết định thi hành án bằng các phương thức sau đây:

  a) Nộp trực tiếp tại Tòa án;

  b) Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;

  c) Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

  4. Ngày nhận được đơn hoặc văn bản đề nghị là ngày cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp tại Tòa án hoặc ngày được ghi trên dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đơn hoặc văn bản đề nghị bằng phương thức gửi trực tuyến (nếu có) thì ngày nhận được đơn hoặc văn bản là ngày gửi đơn hoặc văn bản.

  Điều 5. Hồ sơ đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù

  1. Hồ sơ hoãn đề nghị chấp hành án phạt tù bao gồm:

  a) Bản sao bản án hoặc bản sao trích lục bản án hình sự;

  b) Bản sao quyết định thi hành án phạt tù;

  c) Văn bản đề nghị của Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện (trường hợp Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đề nghị hoãn chấp hành hình phạt tù);

  d) Đơn xin hoãn chấp hành hình phạt tù của người bị kết án (trường hợp người bị kết án xin hoãn chấp hành hình phạt tù). Đơn của người thân thích của người bị kết án hoặc văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án làm việc, của chính quyền địa phương nơi người bị kết án thường trú (trường hợp không có đề nghị của Viện kiểm sát, cơ quan Công an và người bị kết án tại ngoại không thể tự mình làm đơn đề nghị);

  đ) Đối với người bị kết án bị bệnh nặng phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về tình trạng bệnh tật của người bị kết án. Đối với người bị nhiễm HIV chuyển giai đoạn AIDS thì chỉ cần kết quả xét nghiệm bị nhiễm HIV theo quy định của Bộ Y tế và trong hồ sơ bệnh án phải xác định rõ là đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu (trường hợp đề nghị hoãn chấp hành hình phạt tù vì lý do người bị kết án bị bệnh nặng).

  Đối với người bị kết án có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi phải có kết luận về tình trạng mang thai của bệnh viện cấp huyện trở lên hoặc bản sao giấy khai sinh của con dưới 36 tháng tuổi.

  Đối với người bị kết án là lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành án phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt thì phải có bản tường trình có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú.

  Đối với người bị kết án do nhu cầu công vụ thì phải có văn bản hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc trưng dụng người bị kết án phạt tù cần phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ cụ thể.

  e) Chứng minh thư (thẻ căn cước công dân, hộ chiếu), sổ hộ khẩu (bản photo công chứng);

  g) Các tài liệu khác liên quan (nếu có).

  2. Hồ sơ đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù phải được đánh số bút lục và lưu giữ trong Hồ sơ thi hành án của người được hoãn chấp hành án phạt tù (tiểu hồ sơ thi hành án) do Tòa án quản lý.

  Điều 6. Thủ tục xem xét hoãn chấp hành án phạt tù

  1. Ngay sau khi nhận được đơn, văn bản đề nghị xem xét hoãn chấp hành án phạt tù thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án phân công một Thẩm phán xem xét, thẩm tra đơn, văn bản đề nghị, tài liệu kèm theo trong thời hạn 03 ngày và giải quyết như sau:

  a) Trường hợp đơn, văn bản đề nghị và tài liệu kèm theo đã đầy đủ theo hướng dẫn tại Điều 5 của Thông tư này thì báo cáo Chánh án xem xét hoãn chấp hành án phạt tù;

  b) Trường hợp đơn, văn bản đề nghị và tài liệu chưa đầy đủ theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này thì báo cáo Chánh án xem xét thông báo bổ sung đơn, văn bản đề nghị và các tài liệu kèm theo. Trường hợp này, thời hạn Chánh án phải xem xét quyết định hoãn chấp hành án phạt tù quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật Thi hành án hình sự được tính kể từ ngày nhận được bổ sung đơn, văn bản, tài liệu kèm theo.

  2. Trong thời hạn 04 ngày, kể từ ngày Thẩm phán xem xét, thẩm tra đơn, văn bản đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù và tài liệu kèm theo báo cáo Chánh án xem xét hoãn chấp hành án phạt tù thì Chánh án Tòa án phải xem xét giải quyết như sau:

  a) Trường hợp không đủ căn cứ hoãn chấp hành án phạt tù thì không đồng ý hoãn và có văn bản trả lời người có đơn đề nghị hoặc cơ quan có văn bản đề nghị trong đó nêu rõ lý do. Văn bản này, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp biết (nếu Viện kiểm sát không có văn bản đề nghị hoãn chấp hành án). Văn bản trả lời đề nghị không bị khiếu nại hoặc kháng nghị.

  b) Trường hợp có đủ căn cứ hoãn chấp hành án phạt tù thì ra Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị và không bị khiếu nại. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 07 ngày, của Tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định.

  Thủ tục phúc thẩm thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

  3. Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù có các nội dung sau: ghi rõ họ, tên, chức vụ người ra quyết định; bản án, quyết định được thi hành; quyết định thi hành án phạt tù; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người được hoãn chấp hành phạt tù; lý do được hoãn chấp hành án phạt tù; thời hạn hoãn chấp hành án phạt tù và hiệu lực thi hành.

  Thời hạn hoãn chấp hành án phạt tù được xác định kể từ ngày quyết định hoãn chấp hành án phạt tù có hiệu lực cho đến khi người được hoãn chấp hành án phạt tù có đủ sức khỏe được phục hồi hoặc con đủ 36 tháng tuổi hoặc 01 năm tùy thuộc trường hợp được cho hoãn theo quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự.

  Trường hợp hoãn chấp hành án phạt tù theo quy định tại các điểm b, c, d khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự thì cuối quyết định ghi “Hết thời hạn hoãn chấp hành án phạt tù thì Quyết định thi hành án số……của Tòa án…..được thi hành theo quy định của Luật Thi hành án hình sự”.

  Trường hợp hoãn chấp hành án phạt tù theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự thì cuối quyết định ghi “Quyết định thi hành án số…..của Tòa án….được thi hành kể từ ngày có Kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về tình trạng sức khỏe của người được hoãn chấp hành án được phục hồi”.

  Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù phải được gửi theo quy định tại khoản 3 Điều 24 của Luật Thi hành án hình sự.

  Điều 7. Giải quyết một số vấn đề khi thi hành quyết định hoãn chấp hành án phạt tù

  Việc thi hành quyết định hoãn chấp hành án phạt tù thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Luật Thi hành án hình sự. Trong quá trình thi hành quyết định hoãn chấp hành án phạt tù một số vấn đề phát sinh cần phải giải quyết thì thực hiện như sau:

  1. Trường hợp người được hoãn chấp hành án phạt tù không cam kết chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật hoặc bỏ trốn, vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 25 của Luật Thi hành án hình sự thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có văn bản đề nghị Chánh án Tòa án đã ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù hủy quyết định hoãn chấp hành án phạt tù.

  Quyết định hủy quyết định hoãn chấp hành án phạt tù có các nội dung sau: ghi rõ họ, tên, chức vụ người ra quyết định; quyết định hoãn chấp hành án phạt tù; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người được hoãn chấp hành phạt tù; lý do hủy quyết định hoãn chấp hành án phạt tù. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày Tòa án ra quyết định mà không bị kháng cáo, kháng nghị.

  2. Ngay sau khi có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh hoặc tổ chức giám định pháp y tâm thần xác định được hoãn chấp hành án phạt tù đã phục hồi sức khỏe, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện triệu tập người đó trong thời hạn 07 ngày phải có mặt tại trụ sở cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để chấp hành án. Quá thời hạn này, mà người đó không có mặt thì thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện ra quyết định áp giải. Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thực hiện việc áp giải.

  3. Trường hợp người được hoãn chấp hành án phạt tù có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh hoặc tổ chức giám định pháp y tâm thần xác định họ mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều kiển hành vi theo quy định tại khoản 7 Điều 25 của Luật Thi hành án hình sự thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện gửi văn bản, kèm theo tài liệu có liên quan đề nghị Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án để hủy quyết định hoãn chấp hành án và áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh.

  Trình tự, thủ tục Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án để hủy quyết định hoãn chấp hành án và áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh thực hiện theo Điều 6 Thông tư liên tịch này. Việc thi hành quyết định quyết định hoãn chấp hành án và áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh thực hiện theo quy định tại các điều 136, 137, 138, 139 và 140 của Luật Thi hành án hình sự.

Chương III

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐỀ NGHỊ XÉT MIỄN CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ

  Điều 8. Thủ tục nhận và xử lý hồ sơ đề nghị xét miễn chấp hành án phạt tù

  1. Tòa án tiếp nhận hồ sơ đề nghị do Viện kiểm sát nhân dân tỉnh nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn.

  Trong thời hạn 01 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét hồ sơ.

2. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét hồ sơ đề nghị và có một trong các quyết định sau đây:

  a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đề nghị, hồ sơ đề nghị;

b) Trả lại hồ sơ cho Viện kiểm sát nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án;

c) Trường hợp xét thấy hồ sơ đề nghị và tài liệu kèm theo đã đủ điều kiện để xem xét miễn chấp hành án phạt tù thì báo cáo Chánh án ra quyết định phân công các Thẩm phán tham gia phiên họp.

  Điều 9. Chuẩn bị xét hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt tù

  1. Ngay sau khi Thẩm phán được phân xem xét hồ sơ báo cáo về việc hồ sơ đề nghị và tài liệu kèm theo đã đủ điều kiện để xem xét miễn chấp hành án phạt tù thì Chánh án Tòa án ra quyết định thành lập Hội đồng theo quy định tại Điều 39 của Luật Thi hành án hình sự. Trong đó, phân công 01 Thẩm phán chủ trì phiên họp.

  2. Thẩm phán chủ trì phiên họp thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cử Kiểm sát viên tham gia phiên họp. Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận yêu cầu của Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát gửi văn bản cho Tòa án về việc cử Kiểm sát viên tham gia phiên họp.

  3. Ngay sau khi nhận được văn bản cử Kiểm sát viên tham gia phiên họp, Chánh án Tòa án ra Quyết định thành lập Hội đồng gồm những nội dung như sau: ngày, tháng, năm ra quyết định; tên Tòa án ra quyết định; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm mở phiên họp; Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nghề nghiệp, nơi cư trú của người chấp hành án; Quyết định thi hành án phạt tù; Họ tên Thẩm phán, Thư ký Tòa án; họ tên Kiểm sát viên.

  4. Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên họp tổ chức cho các Thẩm phán cứu hồ sơ đề nghị.

  Điều 10. Những người tham gia phiên họp xét miễn chấp hành án phạt tù

1. Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên họp; trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án hoãn phiên họp.  

2. Người chấp hành án phạt tù hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ phải tham gia phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án. Trường hợp họ vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.  

3. Trường hợp cần thiết, Tòa án có thể triệu tập người giám định, người phiên dịch, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia phiên họp; nếu có người vắng mặt thì Tòa án quyết định hoãn phiên họp hoặc vẫn tiến hành phiên họp.

  Điều 11. Thủ tục tiến hành phiên họp xét miễn chấp hành án phạt tù

1. Thư ký phiên họp báo cáo sự có mặt của những người tham gia phiên họp.

2. Chủ tọa khai mạc phiên họp, giới thiệu thành phần Hội đồng, Kiểm sát viên tham gia phiên họp, Thư ký phiên họp.

3. Đại diện Viện kiểm sát trình bày hồ sơ nghị xét miễn chấp hành án phạt tù của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh gửi đến. Các thành viên khác của Hội đồng hỏi thêm đại diện Viện kiểm sát về những điểm chưa rõ trước khi thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết đề nghị miễn chấp hành án phạt tù.

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến nêu rõ lý do đề nghị và đưa ra những chứng cứ chứng minh về đề nghị của mình là có căn cứ.

4. Chủ tọa phiên họp điều hành thảo luận. Hội đồng xem xét, quyết định trên cơ sở hồ sơ và ý kiến của Viện kiểm sát, người tham gia phiên họp:

  a) Không chấp nhận đề nghị miễn chấp hành án phạt tù;

  b) Chấp nhận đề nghị miễn chấp hành án phạt tù.

  5. Hội đồng thảo luận và thông qua tại phiên họp, không phải lập văn bản, nhưng phải được ghi vào biên bản phiên họp.

  6. Phiên họp được ghi biên bản và ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm mở phiên họp và mọi diễn biến ở phiên họp từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên họp.

  Điều 12 . Quyết định về việc xét miễn chấp hành án phạt tù

1. Quyết định về việc xét miễn chấp hành án phạt tù có các nội dung sau đây:

a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Tên Tòa án ra quyết định;

c) Họ, tên của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thư ký phiên họp;

d) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nghề nghiệp, nơi cư trú của người chấp hành án; Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật; Bản án, quyết định khác (nếu có); Quyết định thi hành án phạt tù;

đ) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết;

e) Nhận định của Tòa án và những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị;

g) Căn cứ pháp luật để giải quyết đề nghị;

h) Quyết định của Tòa án;

2. Quyết định về việc xét miễn chấp hành án phạt tù phải được gửi theo quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật Thi hành án hình sự.

3. Quyết định về việc xét miễn chấp hành án phạt tù có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ký và không bị khiếu nại, kháng nghị.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

  Điều 13. Hiệu lực thi hành

  Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày…..tháng…..năm 2020.

  Điều 14. Tổ chức thực hiện

  1. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này.

  2. Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế để có hướng dẫn kịp thời./.

 

KT. CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

PHÓ CHÁNH ÁN



KT. VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

PHÓ VIỆN TRƯỞNG



 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG




KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

THỨ TRƯỞNG

KT.BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

THỨ TRƯỞNG

 Nơi nhận:
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;

- Văn phòng Quốc hội;

y ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Bộ Công an;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao

- Tòa án nhân dân tối cao;

Bộ Quốc phòng;
Bộ Tư pháp;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Bộ tài chính;

- Công báo;

- Cổng thông tin điện t
ử của các Bộ, ngành: TANDTC, VKSNĐTC, BCA, BTP; BYT;
- Lưu: VT (
TANDTC, VKSNĐTC, BCA, BTP; BYT).




 

Dự thảo 1: Thông tư liên tịch hướng dẫn quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục hoãn, miễn chấp hành án phạt tù

Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan soạn thảo
Bộ và cơ quan ngang Bộ
Ngày soạn thảo 31/03/2020
Ngày hết hạn lấy ý kiến

Dự thảo 1: Thông tư liên tịch hướng dẫn quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục hoãn, miễn chấp hành án phạt tù

Góp ý dự thảo

Nội dung góp của bạn đã được gửi đi thành công! Xin cảm ơn.
Lượt xem: 3030

HỆ THỐNG VĂN BẢN

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Truy cập trong ngày:

Tổng số lượng truy cập:

Địa chỉ : 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: 04.62741133
Email: banbientap@toaan.gov.vn, tatc@toaan.gov.vn.
Trưởng Ban biên tập: Ông Nguyễn Xuân Kỳ - Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao.

© Bản quyền thuộc về Tòa án nhân dân tối cao.
Đề nghị ghi rõ nguồn (Cổng TTĐT Tòa án nhân dân tối cao) khi đăng tải lại các thông tin, nội dung từ vbpq.toaan.gov.vn.

ácdscv