Hội nghị đóng góp ý kiến dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên.
Ngày 26/1, TAND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên. Bà Lê Thị Thanh Lam – Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh và ông Trương Đình Nghệ - Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND tỉnh dự và chủ trì hội nghị.
Đ/c: Lê Thị Thanh Lam – Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh và Đ/c: Trương Đình Nghệ - Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND tỉnh (ở giữa)
Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh và lãnh đạo các phòng, tòa, các Thẩm phán và Chánh án TAND cấp huyện.
Đ/c: Phạm Hoàng Lâm - Phó Chánh án TAND tỉnh (bục phát biểu)
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Hoàng Lâm – Phó Chánh án TAND tỉnh đã giới thiệu sơ lượt một số vấn đề lớn và gợi ý nội dung thảo luận đối với dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên.Theo đó, dự thảo tư pháp người chưa thành niên. gồm có 05 phần, 11 chương, 175 điều.
Đại biểu tham gia đóng góp dự thảo
Tại hội nghị, đa số các đại biểu thống nhất cao đối với các nội dung trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên bảo đảm tố tụng thân thiện trong tất cả quá trình tố tụng tư pháp với nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên.
Bên cạnh đó, còn một số ý kiến cho rằng dự án Luật này có nhiều chính sách lớn lần đầu tiền được đề xuất trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Vì vậy, cần có đánh giá tổng kết toàn diện, khoa học mang tính thực tiễn để đảm bảo tính đồng bộ, tránh mâu thuẫn với các đạo luật khác đang có hiệu lực.
Về xử lý chuyển hướng: Các đại biểu thống nhất với loại ý kiến thứ nhất quy định như Dự thảo Luật là phù hợp, nhằm giảm tải được công sức và chi phí khi không phải tiếp tục đưa người chưa thành niên ra xét xử bởi Tòa án, chi phí tổ chức thi hành án khi người chưa thành niên hoàn thành chương trình xử lý chuyển hướng và được miễn trách nhiệm hình sự; việc người chưa thành niên được xử lý chuyển hướng sớm sẽ hạn chế tác động tiêu cực đến tâm lý của người chưa thành niên; giảm tình trạng người chưa thành niên tái vi phạm pháp luật; từ đó tiết kiệm chi phí cho việc xử lý, khắc phục hậu quả đối với vi phạm pháp luật của người chưa thành niên.
Về tác động xã hội, tạo động lực và các điều kiện tối ưu cho người chưa thành niên nhận ra sai lầm và sửa chữa sai lầm của mình để trở thành công dân có ích cho xã hội; hạn chế được các tác động tiêu cực đến tâm lý của người chưa thành niên trong quá trình xử lý vi phạm; nâng cao hiệu quả công tác giải quyết và xử lý vi phạm đối với người chưa thành niên; bảo đảm việc giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời; chấm dứt sớm quá trình tố tụng; giảm tải áp lực công tác cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng: Đa số các đại biểu thống nhất loại ý kiến thứ nhất là giao cho Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên theo đề nghị của CQĐT, VKSND.
Quy định theo hướng này vừa đảm bảo áp dụng thống nhất, chặt chẽ, đảm bảo tính cẩn trọng trong việc xem xét hành vi, quyết định các chế tài xử lý người chưa thành niên không tuân thủ việc chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng, phù hợp vơi việc đưa người chưa thành niên ra khỏi quy trình tố tụng hình sự thông thường.
Về thời điểm gửi văn bản đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng: Các đại biểu thống nhất với loại ý kiến thứ hai, vì theo Dự thảo Luật thì văn bản đề nghị phải có các nội dung như mức độ vi phạm, nguyên nhân và điều kiện dẫn tới hành vi phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ, tác động của hành vi phạm tội đối với nạn nhân, xã hội mà những vấn đề này nếu chưa có kết luận điều tra, cáo trạng thì chưa kết thúc quá trình điều tra, truy tố, sẽ chưa đủ căn cứ vững chắc để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
Về các loại hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên: Các đại biểu thống nhất với loại ý kiến thứ hai. Hệ thống hình phạt còn hạn chế so với quốc tế, Việt Nam mới chỉ dừng lại ở 4 loại hình phạt chính (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn), trong khi theo thông lệ quốc tế thì hình phạt có tính điển hình thường gồm 15 biện pháp như: Cảnh báo; Thả có điều kiện; Hoàn trả/bồi thường; Phạt tiền; Lao động công ích; Điều kiện về hành vi; Hướng dẫn và cố vấn; Yêu cầu tư vấn/điều trị; Chương trình giáo dục, đào tạo hoặc phục hồi; Quản chế (giám sát tại cộng đồng với các điều kiện về hành vi và chương trình giáo dục); Án treo hoặc án có điều kiện; Trung tâm báo cáo thường xuyên; Giam giữ tại gia; Trường giáo dưỡng; Phạt tù.
Quy định như Dự thảo là phù hợp với nguyên tắc ưu tiên áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên và phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng không ảnh hưởng đến hệ thống hình phạt quy định tại Điều 32 BLHS hiện hành.
Về thủ tục tố tụng thân thiện: Các đại biểu thống nhất với ý kiến việc tách bạch 02 thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên bị buộc tội và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng là cần thiết.
Về điều phối tư pháp người chưa thành niên: Các đại biểu thống nhất loại ý kiến thứ nhất, vì phù hợp với chức năng, nhiệm vụ hiện hành, thực tế tổ chức phối hợp liên ngành đang thực hiện và đạt hiệu quả tốt.
Về hỗ trợ hoạt động tư pháp người chưa thành niên, các đại biểu thống nhất với loại ý kiến thứ nhất, vì việc thành lập quỹ riêng này nhằm đảm bảo tính độc lập trong hoạt động này...
Phát biểu kết luận hội nghị, bà Lê Thị Thanh Lam – Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đòan chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh, dự thảo luật lần này có nhiều chính sách lớn lần đầu tiên được đề xuất đưa vào, vì vậy cần có đánh giá tổng kết toàn diện, khoa học mang tính thực tiễn để đảm bảo tính đồng bộ, tránh mâu thuẫn với các luật khác đang có hiệu lực.
“Các ý kiến đóng góp của các đại biểu là cơ sở để Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh báo cáo và có ý kiên trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp lần thứ VII tới”, Phó trưởng đòan chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định.
Thanh Ngân