Sáng ngày 22/11, tại Hà Nội, đồng chí Phạm Quốc Hưng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TAND tối cao đã Hội đàm với bà Katalin Boszorményiné Kovács, Phó Chánh án Tòa án tối cao Hungary nhân dịp Đoàn đại biểu cán bộ cấp cao Tòa án tối cao Hungary thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tại Hội đàm, đồng chí Phó Chánh án TAND tối cao Phạm Quốc Hưng và Phó Chánh án Tòa án tối cao Hungary Boszorményiné Kovács đã chia sẻ kinh nghiệm của mỗi nước về những nội dung mà cả hai bên cùng quan tâm, đó là: Chế định Thẩm phán; Trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án; Công tác giải quyết các vụ án hành chính; Nguyên tắc độc lập xét xử.
Chia sẻ về nguyên tắc độc lập xét xử, đồng chí Phó Chánh án TAND tối cao Phạm Quốc Hưng cho biết, đây là nguyên tắc căn cốt được thể hiện trong các văn bản pháp luật của Việt Nam, từ Hiến pháp cho đến Luật Tổ chức TAND. Pháp luật Việt Nam quy định “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Thẩm phán độc lập trong xét xử và giữa các cấp xét xử, độc lập cả trong quản lý hành chính, “Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”.
Hội đàm giữa Tòa án tối cao hai nước Việt Nam-Hungary
Trao đổi tại Hội đàm, Phó Chánh án Tòa án tối cao Hungary Boszorményiné Kovács cho rằng, về cơ bản tổ chức, bộ máy của Tòa án và hệ thống pháp luật của hai nước có nhiều điểm tương đồng, đó sẽ là điều kiện lý tưởng để hai bên hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm cũng như tăng cường quan hệ hợp tác.
Hệ thống Tòa án Hungary giống Việt Nam đều có 4 cấp Tòa án; Thẩm phán khi xét xử mặc áo choàng xét xử và áo choàng cũng được phân biệt theo các cấp Thẩm phán. Tuy nhiên, có điểm khác đó là khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên cũng mặc áo choàng. Một điểm khác nữa là ở Hungary có Hội đồng tư pháp, và người đứng đầu Hội đồng do Quốc hội bầu giống như Chánh án Tòa án tối cao.
Về Chế định Thẩm phán của Hungary, Phó Chánh án Tòa án tối cao Boszorményiné Kovács cho rằng có một số điểm khác so với Việt Nam, theo đó, một cá nhân (không nhất thiết phải công tác trong hệ thống Tòa án) có đầy đủ các điều kiện như trên 30 tuổi, là luật gia, có 1 năm kinh nghiệm công tác về pháp luật và trải qua kỳ thi tuyển chọn… sẽ được Tổng thống bổ nhiệm. Nhiệm kỳ đầu tiên của Thẩm phán là 3 năm, nhiệm kỳ tiếp theo là cho đến khi nghỉ hưu nhưng 6 năm sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá năng lực Thẩm phán 1 lần để xem xét việc bổ nhiệm.
Ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tòa án tối cao hai nước Việt Nam-Hungary
Đồng chí Phó Chánh án TAND tối cao Phạm Quốc Hưng cảm ơn những chia sẻ của Phó Chánh án Tòa án tối cao Hungary; đồng thời, khẳng định những tương đồng về hệ thống Tòa án, pháp luật giữa Việt Nam-Hungary chính là cơ sở, tiền đề quan trọng để hai bên thúc đẩy mối quan hệ hợp tác bằng những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và hiệu quả, mà trước tiên là việc Tòa án tối cao hai nước tiếp tục ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2023-2027.
Sau khi trao đổi, thống nhất các nội dung hợp tác, đồng chí Phó Chánh án TAND tối cao Phạm Quốc Hưng và Phó Chánh án Tòa án tối cao Hungary Boszorményiné Kovács đã cùng ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tòa án tối cao hai nước, giai đoạn 2023-2027 để nâng quan hệ giữa hai Tòa án lên một tầm cao mới, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam-Hungary.
Nguyên Anh